Canalblog
Editer l'article Suivre ce blog Administration + Créer mon blog
Publicité
Les Carnets de Philippe Truong
Les Carnets de Philippe Truong
Publicité
Les Carnets de Philippe Truong
Archives
25 janvier 2012

CANONS HOLLANDAIS AU MUSEE DE HUE (2) : LE CANON DE KYLIANUS WEGEWART (1640).

2. Khẩu thần công mang số đăng ký BTH-TB KL2 53

Canon hollandais de Kylianus Wegewart CampSúng thần công do Kylianus Wegewaert đúc năm 1640 đang trưng bày tại BTCVCĐ Huế.

Đây là khẩu thần công bằng đồng, dài 197cm, đường kính miệng 10cm, do ông Kylianus Wegewaert thực hiện tại Kampen (Hà Lan) năm thứ 15 (1640). Thông tin này được thể hiện bởi dòng chữ “KYLIANUS. WEGEWART. ME. FECIT. CAMP. 15. A°” đúc nổi ở vành chuôi súng. Phía dưới có khắc con số 1355, cho biết súng nặng 1355 livre (khoảng 677,5 kg).

Ha Lan A 5Dòng chữ đúc nổi trên vành chuôi súng.

Mặt trên và mặt bên của chốt súng, có dòng chữ Hán, được khắc thêm về sau: 四 尺 六 二 寸 三 (tứ xích lục nhị thốn tam: dài 4 thước 62 tấc và 3 phân). Khẩu súng này được BTCVCĐ Huế đăng ký số hiệu là BTH-TB KL2 53.

Ha Lan A 9 inscriptionDòng chữ Hán khắc trên mặt bên của chốt súng.

Kylianus Wegewaert cũng xuất thân từ một gia đình nổi tiếng về nghề đúc chuông và súng thần công ở Hà Lan. Ông nội của Kylianus Wegewaert là Wolter Wegewaert (1548 - 1592), quê gốc tại Münster (Đức), cùng với người anh là Willem Wegewaert The Elder (Willem Wegewaert Lớn), di cư đến Deventer (Hà Lan) và mở một xưởng đúc đồng ở đó vào trước năm 1554, năm mà ông trở thành công dân của thành phố Deventer. Là một thợ đúc súng trứ danh, Wolter được giao nhiệm vụ đúc súng để phòng thủ thành Deventer, trong khi người anh của ông được cử làm thợ đúc chuông chính thức của thành phố này vào năm 1547. Con gái của Willem Wegewaert Lớn là Trinje, chính là bà nội của Gerard Koster Bé, người đã đúc khẩu súng được đề cập trong phần đầu bài viết này.

Về sau, Henrick Wegewaert The Elder (Henrick Wegewaert Lớn, 1580 - 1624), con trai của Wolter, chuyển đến Kampen và lập ra xưởng đúc chuông đồng ở đây vào năm 1596. Ông đã làm ra nhiều chuông đồng và hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ 60 chuông đồng, có cái nặng đến 3750 kg, và nhiều bộ chuông hòa âm, chẳng hạn như chiếc chuông đúc năm 1612 cho nhà thờ Deventer. Ông đã thành một công dân đáng kính, thẩm phán và là ủy viên hội đồng thành phố Kampen.

Sau khi Henrick qua đời (1624), do con của ông còn nhỏ nên vợ ông đứng ra quản lý xưởng đúc cho đến 1626, khi Kylianus Wegewaert trưởng thành thì lên thay thế. Cũng như người cha, Kylianus tiếp tục sự nghiệp đúc chuông và các bộ chuông hòa âm (như bộ chuông cho nhà thờ Walonie tại Rotterdam). Song chuyên môn chính của Kylianus Wegewaert là đúc súng thần công. Nhiều khẩu thần công do ông đúc hiện nay còn lưu giữ trong các bảo tàng, như Bảo tàng Guildhall (Boston, Lincolshire, Anh Quốc, đúc năm 1631), Bảo tàng Rotterdam (Hà Lan, đúc năm 1636). Ông qua đời ngày 04.12.1640 và được mai táng trong nhà thờ Bovenkerk ở Kampen (Hà Lan).

Theo nội dung thể hiện trong dòng chữ đúc trên vành chuôi khẩu súng, thì súng này được đúc vào năm thứ 15, kể từ khi Kylianus Wegewaert bắt đầu khởi nghiệp nghề đúc. Vì trên cái chuông xưa nhứt mà Kylianus Wegewaert đã đúc có ghi năm 1626, nên Cosserat cho rằng khẩu súng thần công ở BTCVCĐ Huế này được đúc vào năm 1640.5

Frise grotesqueHoa văn dây là hình mặt nạ người trang trí trên súng thần công do Kylianus Wegewaert đúc năm 1640.

Trang trí trên khẩu súng rất phong phú và tỉ mỉ, với dây lá ô rô cách điệu và những dải hồi văn hoa lá liên hoàn và hình mặt nạ người rất kỳ dị, tiêu biểu cho các kiểu thức trang trí của châu Âu vào đầu thế kỷ XVII. Sự hiện diện của hoa văn, vòng nguyệt quế bao quanh đồ án lưỡng long tranh châu là rất đáng ngạc nhiên, bởi lẽ kiểu trang trí này chưa hề xuất hiện ở Hà Lan lúc bấy giờ. Như vậy có thể xem khẩu súng này sản phẩm đặt hàng của vua chúa Việt Nam thông qua Công ty Đông Ấn Hà Lan. Vả lại, khẩu súng không có quai, giống như các khẩu súng được đúc tại Việt Nam dưới thời vua Lê chúa Trịnh.

DragonsHoa văn vòng nguyệt quế bao quanh đồ án lưỡng long tranh châu trên súng.

Trong hồ sơ lưu trữ của Công ty Đông Ấn Hà Lan đều có ghi chép về các vật biếu tặng của công ty này cho các vị chúa Nguyễn nhưng không hề có khẩu súng thần công nào được ghi lại. Ngược lại, trong số quà biếu của ông Hartsinck cho chúa Trịnh vào năm 1637 có 2 khẩu thần công. Chúa Trịnh rất hài lòng với món quà này và cho phép Công ty Đông Ấn Hà Lan quyền tự do thương mại ở Đàng Ngoài và được phép lập một thương điếm tại Phố Hiến. Thái độ này của chúa Trịnh là nhằm khuyến khích Công ty Đông Ấn Hà Lan cung cấp vũ khí để chống lại Đàng Trong. Ngược lại, Công ty Đông Ấn Hà Lan thì muốn mở rộng hoạt động giao dịch tơ lụa với Đàng Ngoài để thu lợi nhuận, đồng thời muốn dùng hành động thương mại này để gây áp lực với Đàng Trong trong vụ đòi bồi thường 23.580 đồng réaux và các súng thần công mà chúa Nguyễn đã tịch thu trên con thuyền của Hà Lan bị đắm ở Hoàng Sa. Song người Hà Lan lại chưa muốn tham gia vào cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn. Năm 1639, chúa Trịnh Tráng cử một sứ giả sang Batavia để thương lượng với Công ty Đông Ấn Hà Lan. Phái đoàn trở về Kẻ Chợ cùng với Couckebacker, thông báo cho chúa rằng Công ty Đông Ấn Hà Lan có thể cung cấp vũ khí để đổi lấy tơ lụa và trong trường hợp chúa cấm hẳn hoạt động thương mại của người Bồ Đào Nha ở Đàng Ngoài thì Công ty Đông Ấn Hà Lan có thể gửi thêm 3 chiến thuyền và 200 quân lính tham gia vào cuộc chiến chống lại Đàng Trong. Tuy nhiên, do quan hệ thương mại không được suôn sẻ vì giá tơ lụa do chúa Trịnh nắm quyền định hoạt và do chúa buộc Công ty Đông Ấn Hà Lan phải ứng trước 50.000 lượng bạc. Ngày 24.7.1639, Couckebacker thay mặt cho Toàn quyền Hà Lan tại Batavia ký liên minh với Đàng Ngoài nhưng cuộc đàm phán thất bại. Năm sau, Hartsinck mang thư của Toàn quyền Hà Lan tại Batavia chấp nhận những điều kiện do chúa Trịnh đặt ra và tỏ ý sẵn sàng tham gia chiến tranh, nhưng chúa Trịnh Tráng lại từ chối. Năm 1641, Công ty Đông Ấn Hà Lan lại gửi thêm 2 bức thư cho chúa Trịnh, và ngày 15.5.1641, ông Paulus Tradenius, Toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan, đã báo cho Toàn quyền Hà Lan tại Batavia rằng chúa Trịnh đã chấp nhận và sẽ cử một phái đoàn đến Batavia.

Như vậy là khẩu thần công mang số hiệu BTH-TB KL2 53 của BTCVCĐ Huế là khẩu súng do Kylianus Wegewaert đúc năm 1640 và là quà Công ty Đông Ấn Hà Lan tặng cho chúa Trịnh để lấy lòng chính quyền Đàng Ngoài. Toàn quyền Paulus Tradenius ở Đài Loan đã thay mặt Công ty Đông Ấn Hà Lan gửi tặng cho chúa Trịnh khẩu thần công này vào tháng Giêng năm 1642 để chúa Trịnh sử dụng trong cuộc chiến chống lại chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

PT

Chú thích

5 Cosserat H., “Au sujet du monogramme de la Compagnie Néerlandaise des Indes Orientales - Les canons de la Résidence Supérieure” (Về chữ viết tắt của Công ty Đông Ấn Hà Lan - Súng thần công trong tòa Khâm sứ”, BAVH, Oct - Dec/1916, pp. 392-393.

Publicité
Publicité
Commentaires
Publicité